Sau trận thắng dễ Malaysia, có vẻ như Myanmar - với nhiều người, chỉ là "món đồ trong túi áo", và niềm tin ấy đang đẩy thầy trò HL...
Sau trận thắng dễ Malaysia, có vẻ như Myanmar - với nhiều người, chỉ là "món đồ trong túi áo", và niềm tin ấy đang đẩy thầy trò HLV Park Hang-seo vào thế khó.
1. Trong buổi họp báo sau trận đấu, thêm lần nữa HLV Park Hang-seo tỏ ra khó chịu với cách mà người hâm mộ, cũng như các chuyên gia bóng đá nước nhà tạo áp lực lên ông và các cầu thủ của mình. Ông phát biểu:
"Cũng cần nói thêm rằng, đa số các cầu thủ Việt Nam còn trẻ, thậm chí nhiều người dưới 23 tuổi. Bởi vậy, khi chịu áp lực từ sự kỳ vọng, họ sẽ không thể thi đấu tốt. Tôi phải tìm cách giải tỏa cho họ".
Ông Park Hang-seo không dùng mạng xã hội, thậm chí ông còn không dùng cả email, nhưng sự chuyên nghiệp của cả ê kíp hỗ trợ khiến ông luôn được cập nhật đầy đủ phản ứng của cổ động viên Việt Nam, cũng như các chuyên gia bóng đá nước nhà về mình, về đội tuyển. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên ông phản ứng với những gì mà mình và các học trò nhận được.
Nếu như sau trận đấu với Malaysia, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải nhận định thẳng thừng: "Nếu tiếp tục chơi kiểu này, Việt Nam không thể đi xa được", thì sao trận hòa Myanmar, chuyên gia này tiếp tục nhận định: "Việt Nam chơi tốt, rất chắc chắn nhưng nỗi lo ngại ngày nào đang trở lại". "Nỗi lo ngại ngày nào" ấy, chính là khả năng ghi bàn.
Quả tình là khả năng ghi bàn của các chân sút Việt Nam trận đấu này "có vấn đề" thật. Nhưng nếu nhìn kỹ, nó chỉ là vấn đề ở sự may mắn, khi những pha dứt điểm ấy tìm đến cột dọc thay vì đi thẳng vào lưới, hay bị trọng tài bắt việt vị oan uổng, chứ thế trận và cơ hội mà thầy trò HLV Park Hang-seo tạo ra trước đối thủ là quá tốt, và vận may là điều duy nhất mà ông thầy người Hàn chẳng thể tạo ra được.
2. Không có được bàn thắng là điều bất công cho thầy trò HLV Park Hang-seo, bởi dẫu cho không thể thắng, thì đây là trận đấu hay của ông thầy người Hàn Quốc tính từ đầu giải - xét về mặt chiến thuật.
Chiến thuật mà ông Park Hang-seo đưa ra chuẩn chỉ từ sự nhẩn nha, chậm rãi đầu trận, để kiềm chế sự hưng phấn của đối phương, nhận diện đối thủ và thiết lập thế trận chặt chẽ. Và khi đối thủ đã bị nhận diện xong, khi các cầu thủ đã biết phải "làm gì, với ai" để hàng thủ không thể bị tổn thương, cũng là lúc các cầu thủ Việt Nam tăng tốc chóng mặt, hướng về khung thành đối phương.
Rút Xuân Trường, Văn Quyết ra, tung Hùng Dũng, Trọng Hoàng vào sân là quyết định thay người mang đậm tính chiến thuật cực kỳ cao tay của "thầy Park". Bởi với nhận định Myanmar "chưa đủ tuổi" để gây áp lực lên tuyến giữa, một tiền vệ trung tâm giàu sức chiến đấu và chơi cực kỳ an toàn như Hùng Dũng là đủ để Quang Hải được bung sức, chơi cao, hỗ trợ riết róng cho thế trận tấn công.
Thế trận ấy buộc Myanmar phải lùi sâu về sân nhà để trụ lại trước sức ép của đội tuyển Việt Nam, giải quyết được một lúc hai việc: đặt khung thành của Đặng Văn Lâm vào thế cực kỳ an toàn, cũng như mở ra cho các cầu thủ tấn công một "bài tập khó" để xuyên thủng hàng thủ chơi chủ động của đối phương.
Cao trào của sự điều chỉnh về mặt chiến thuật của nhà cầm quân người Hàn là việc tung Văn Toàn vào sân thay cho Công Phượng. Quyết định này đưa Quang Hải lên đóng vai trò sáng tạo, điều phối nhịp độ trận đấu, cũng như các đợt tấn công của đội nhà - điều mà Quang Hải làm tốt nhất, và suýt nữa thành công.
Cú sút trái phá bằng chân trái của Quang Hải, dẫn tới bàn thắng bị từ chối oan uổng của Văn Toàn không đến từ tình huống. Nó là kết quả của lối chơi tấn công thông minh, tinh quái mà tiền vệ người Đông Anh chính là "đầu tàu", ép Myanmar lùi sâu, để rồi mở ra cơ hội cho chính mình, cho "con bài tẩy" Văn Toàn.
Đây là trận đấu mà lối chơi của đội tuyển Việt Nam phần nào được định hình, là lời đánh trả đanh thép cho những giọng điệu của các chuyên gia chê bai thầy trò HLV Park Hang-seo "Không có bài vở gì để ăn người, chỉ đợi tình huống thôi", thậm chí là "Tấn công thì thiếu tổ chức và đặc biệt nghèo nàn ý tưởng, chỉ có vài phương án cố định. Gặp đội mạnh thì cắn trộm. Gặp đội yếu thì rình sơ hở".
Đáng tiếc, khi trận đấu với Myanmar diễn ra đúng vào ngày 20/11 - ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam, và các học trò người Việt chẳng thể ghi bàn để tặng cho ông thầy người Hàn Quốc một chiến thắng xứng đáng như đã hứa, dẫu đã có được bàn thắng hợp lệ, nhưng lại bị trợ lý trọng tài người Thái Lan "cướp mất" sau pha căng cờ sai lầm.
Chặng đường phía trước còn dài, với 5 trận đấu trước mặt - nếu thầy trò HLV Park Hang-seo đi được đến trận chung kết, và lưng vốn giờ đây của họ đang là thành tích chưa thủng lưới bàn nào, cùng quyền tự quyết ngôi đầu bảng bằng trận đấu với Campuchia trên sân Hàng Đẫy - bài toán không quá khó.
Với những thành công của U23 Việt Nam, cùng tình yêu và sự kỳ vọng dành cho HLV Park Hang-seo và các học trò, sự tiếc nuối của người hâm mộ là có lý, nhưng nên chăng hãy để niềm tin với ông thầy người Hàn Quốc này lên tiếng, thay vì đòi hỏi ở ông những điều không thể?
theo soha.com
COMMENTS