“Mỗi lúc khó khăn, tôi lại nhớ đôi giày mẹ mua cho. Đấy là đôi giày đầu tiên của cuộc đời cầu thủ của tôi và để có nó, mẹ đã phải bán đi con...
“Mỗi lúc khó khăn, tôi lại nhớ đôi giày mẹ mua cho. Đấy là đôi giày đầu tiên của cuộc đời cầu thủ của tôi và để có nó, mẹ đã phải bán đi con trâu trong nhà”, Phạm Xuân Mạnh bắt đầu câu chuyện đầy xúc động.
Người ta nói rằng, Nghệ An sản sinh rất nhiều tài năng và “sóng sau cứ đè sóng trước”. Nhiều người đúc kết, các ngôi sao thành danh của bóng đá xứ Nghệ hầu hết đều sinh ra trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nói thẳng ra, ngoài đam mê, các bậc phụ huynh dẫn cầu thủ đến với bóng đá đều nuôi hy vọng đổi đời, vượt qua cái nghèo cái khổ. Phạm Xuân Mạnh cũng là một tấm gương vượt lên chính mình ở “quê choa”.
Vì có cái ngoại hình hao hao giống Salomon Kalou (Bờ Biển Ngà) nên các đồng đội “đặt chết” cho anh cái biệt danh Mạnh “Kalou”. Chàng trai người huyện Yên Thành thừa nhận rằng, anh không có gì ngoài sức khỏe và để có được điều đó, một phần ngày còn nhỏ được phải bươn mình ra đồng để phụ giúp bố mẹ những ngày vào vụ. Thậm chí, tuổi lên 10, cậu bé nhóc con ấy đã cầm lái cả cái máy cày dù lọt thỏm giữa đôi càng và chiếc ghế lấm đầy bùn đất.
“Ngày trước thấy bố mẹ cơ cực nên tôi tuổi nhỏ làm việc nhỏ, thấy cái gì thì làm cái đó, được phần nào hay phần đó. Mà trẻ con ở quê như tôi tất cả đều thế cả. Ngoài giờ học, phụ giúp mới lôi nhau ra đá bóng. Nói là bóng cho sang chứ toàn đá mấy trái bòng, bưởi non, phơi cho héo mới đá được dai, được lâu. Không trộm được bòng bưởi của nhà thì đá bóng với tất cả những gì có thể làm trái bóng được. Cứ thế mấy mạng lùa nhau ra bãi đất, đá như như ngày mai không còn được chơi bóng nữa”, Xuân Mạnh hồi tưởng.
Mạnh nói rằng, cuộc đời anh như một câu chuyện cổ tích. Mạnh nhớ như in ngày mẹ (bà Phan Thị Hà) đèo anh xuống Vinh đi thi. Từ quê lên phố tất cả đều ngỡ ngàng và chính bà Hà cũng thầm nhủ, để con trai thi cho thỏa mãn chứ chẳng mong điều gì. Ấy vậy mà giấc mơ của cậu bé lái máy cày đã trở thành sự thật. Ngày nhận tin trúng tuyển, hai hàng nước mắt cứ thế chảy trên gò má của Xuân Mạnh.
Tuổi 17, Mạnh cảm cảm thấy mình là một “thanh niên cứng” thật sự. Anh bạo gan về nói với mẹ, muốn có 1 đôi giày “xịn” để đá giải U17QG - Báo Bóng đá 2012 tại Huế. Mẹ Hà cười hiền, rồi nói với con trai: “Mi cứ yên tâm, kiểu chi cũng có giày”. Mạnh có giày “xịn” thật và anh đã ôm nó ngủ nhiều đêm liền. Đôi giày ấy, Mạnh tiết lộ là phải mất 4 củ (4 triệu đồng) mới khuôn về được.
Mãi sau này, Mạnh mới biết được “bí mật” của người mẹ. Anh trở về nhà và thấy con trâu trong nhà biến mất. Hóa ra để có đôi giày cho con, mẹ Hà đã phải bán con trâu gia sản lớn nhất trong nhà cho kẻ lạ. Có lẽ vì thế khi có chút tiền lương, thậm chí là nhận hàng trăm triệu đồng sau thành công tại VCK U23 châu Á 2018 hay mới đây là ASIAD 18, Mạnh luôn nhớ thuở hàn vi, nhớ đến người mẹ tảo tần luôn âm thầm hy sinh vì con.
Bây giờ, Mạnh “Kalou” đang đi những đôi giày còn xịn và còn đắt hơn rất nhiều so với 6 năm về trước nhưng với anh, “đôi hài” của mẹ Hà giống như một phép màu, giúp anh trở thành một chàng trai được nhiều người mến mộ. Trong trận bán kết lượt về Cúp QG 2018 giữa SLNA và FLC.TH mới đây, Xuân Mạnh bị rạn xương mác và được chẩn đoán là phải nghỉ dài hạn. Dẫu vậy, người ta tin, với ý chí, với sự cầu tiến và cả câu chuyện cổ tích “đôi hài của mẹ”, Mạnh sẽ trở lại.
Nguồn : bongdaplus.vn
COMMENTS